GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3
Kính thưa thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh yêu quý!
Nhân kỉ niệm 93 năm ngày Thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2024). Thư viện xin gửi tới thầy cô và các em học sinh cuốn nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc. Cuốn nhật kí đã làm rung động hàng triệu con tim của bạn đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết, tình yêu quê hương bất diệt thể hiện qua cảm nhận của Nguyễn Văn Thạc suốt chặng đường hành quân.
Thưa thầy cô và các em, “Mãi mãi tuổi 20” là tên biên tập cuốn nhật kí chép tay “Chuyện đời” của Nguyễn Văn Thạc và đây là hình ảnh của Nguyễn Văn Thạc được in trên bìa cuốn sách.
Nguyễn Văn Thạc sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mảnh đất thủ đô với những lá cờ tổ quốc bay phấp phới đã nuôi lớn tình yêu và tinh thần chiến đấu trong anh. Tốt nghiệp đại học khoa Toán-Cơ với cả một tương lai phía trước, thế nhưng anh đã rũ khỏi ghế nhà trường để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, vì anh biết khi này, tổ quốc cần anh. Ngay từ đầu, cuốn nhật ký đã mở ra những trang đẹp nhất của tâm hồn anh với khát vọng ra đi, lý tưởng chiến đấu và ý thức trách nhiệm vì Tổ quốc. Anh viết: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ là từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước” và anh khát khao: “Chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”. Xuyên suốt cuốn nhật ký là khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt quân thù.
Tuổi hai mươi như cánh diều không mỏi, chỉ chịu mỏi khi nằm xuống đất Việt Nam. Ngày 30/7/1972, Đồng chí Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh anh dũng nơi chiến trường Quảng Trị, dưới lá cờ của tổ quốc Việt Nam khi chưa tròn 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời.
Các em ạ!
Cuốn nhật ký được viết từ ngày 2/10/1971 và dừng lại vào ngày 3/6/1972 khi Nguyễn Văn Thạc chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Suốt quá trình viết, chàng trai giỏi Văn nhất đất Hà Thành chỉ sử dụng hai màu mực xanh đen, như nền trời xanh của tổ quốc đang nhuốm lấy khói của bom, của đạn. Từng dòng nhật ký đã và đang tái hiện lại một giai thoại vô cùng khốc liệt của lịch sử dân tộc những năm 70, tái hiện nỗi thống khổ dày xéo lên đôi vai anh bộ đội cụ Hồ, tái hiện tình đồng chí đầy ấm áp và thiêng liêng.
Trước khi gửi cuốn nhật kí về cho anh trai ở Hà Nội, Nguyễn Văn Thạc có viết: “Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.”
“Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”
Anh viết cái kết mở cho tương lai, cho ngày trở lại hoặc không bao giờ. Tuy đã hy sinh cho nền độc lập của tổ quốc, nhưng trong lòng mỗi người con của Việt Nam, anh luôn sống mãi, sống mãi ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
Đọc cuốn nhật kí, chúng ta thấy khâm phục cho những tấm lòng cao cả, sống chết với Tổ quốc mà chẳng màng hi sinh.
Hôm nay ta ngồi đây áo nêm quần ấm, hôm qua anh bộ đội đêm rét không chăn. Hôm nay ta đang đứng trên hào quang của quá khứ, nhưng không được quên đi lịch sử. Bởi lịch sử ghi danh biết bao tấm gương cao đẹp , cống hiến cả tuổi xuân cho độc lập dân tộc.
Nhật kí “Mãi mãi tuổi 20” quả thật xứng đáng để đại diện cho một thời kỳ chiến đấu ác liệt. Những dòng văn, những câu từ vừa có đau thương, vừa có bình yên đã ngấm sâu vào trái tim người đọc. Để từ đó ta phải ngẫm nghĩ, hiểu ra vai trò của mình trong công cuộc xây dựng đất nước.
“Mãi mãi tuổi 20” là một tư liệu quý mà tôi muốn chia sẻ tới thầy cô và các em. Mong rằng thông qua cuốn nhật kí cho ta thấy được một thời oanh liệt của thế hệ thanh niên ngày ấy và là tấm gương soi sáng cho thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước.
Buổi giới thiệu sách xin được khép lại, xin chào và hẹn gặp lại!